Trụ sở: 428 Hồ Học Lãm, P. An Lạc, Bình Tân, HCM
vinhphulaw@gmail.com
Luật Vinh Phú > Thông tin > Tư vấn pháp luật > Đầu thảo bể hụi có bị khởi kiện hoặc bị tố cáo yêu cầu xử lý hình sự không?
Bể hụi có bị khởi kiện, xử lý hình sự không

Đầu thảo bể hụi có bị khởi kiện hoặc bị tố cáo yêu cầu xử lý hình sự không?

  • vubt
  • Tư vấn pháp luật
  • Không có bình luận

Bạn đọc H.M.C. (thị trấn Chư Sê) hỏi: Tôi có tham gia chơi hụi do bà N.T.T. làm đầu thảo. Bà T. còn nợ tôi số tiền hụi tổng cộng là hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, bà T. còn nợ tiền hụi và tiền vay của người khác tổng cộng gần 5 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, bà T. tuyên bố bể hụi và bỏ đi khỏi địa phương cho đến nay. Vậy tôi có thể khởi kiện hoặc tố cáo yêu cầu xử lý hình sự đối với bà T. hay không?

– Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì họ, hụi, biêu, phường là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Điều 3 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19-2-2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường thì các nguyên tắc tổ chức họ, hụi được quy định như sau:

“1. Việc tổ chức họ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Việc tổ chức họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ.

3. Không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác”.

Theo đó, hoạt động chơi hụi và tổ chức chơi hụi không vi phạm pháp luật; quyền và nghĩa vụ của chủ hụi, thành viên chơi hụi được quy định tại Điều 15, 16, 17, 18 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP.

Trường hợp của bạn đưa ra thì bà T. có thể chịu trách nhiệm dân sự hoặc trách nhiệm hình sự tùy theo từng hành vi của bà này. Cụ thể như sau:

Về trách nhiệm dân sự: Nếu vụ việc của bạn không có dấu hiệu phạm tội hình sự thì bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bà T. đang cư trú để yêu cầu bà T. thực hiện nghĩa vụ trả tiền nợ hụi theo quy định tại Điều 351 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về trách nhiệm hình sự: Bà T. có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

– Nếu như bà T. có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của bạn thì bạn có thể yêu cầu xử lý hình sự đối với bà T. về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản;

– Nếu như bà T. thông qua việc tổ chức chơi hụi với bạn rồi chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù bà T. có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Sau khi có bản án hình sự hoặc bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật, bạn có thể làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án nhân dân đã xét xử, giải quyết sơ thẩm thi hành theo quy định của pháp luật.

Như vậy, bạn có quyền khởi kiện vụ án dân sự hoặc tố cáo yêu cầu xử lý hình sự đối với hành vi của bà T. như đã phân tích ở trên.

Nguồn: https://baogialai.com.vn/luat-su-bui-thanh-vu-tu-van-phap-luat-post240796.html

Để lại một bình luận